Thông tin từ Bộ LĐTB-XH cho hay, Đề án đưa lao động trình độ chuyên môn kỹ thuật đi làm việc ở nước ngoài giai đoạn năm 2018 - 2020 và định hướng đến năm 2025 đã hoàn tất việc lấy ý kiến dự thảo.
Theo đề án đang được Bộ LĐTB-XH xây dựng, mục tiêu của đề án là đưa lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật ra nước ngoài làm việc, từ đó giảm áp lực nguồn cung việc làm từ trong nước, giảm tỷ lệ thất nghiệp của một bộ phận sinh viên tốt nghiệp ra trường.
Cụ thể, trong giai đoạn 1 (2018-2020) sẽ đưa khoảng 17.700 lao động có trình độ chuyên môn sang làm việc tại CHLB Đức, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Trong đó, tới năm 2020 sẽ đưa khoảng 3.750 lao động làm điều dưỡng, hộ lý và 7.500 kỹ sư công nghệ thông tin, điện tử viễn thông, công nghệ vật lý, sinh học sang Đức.
Khoảng 1.500 lao động là điều dưỡng chăm sóc người gia, người bệnh và 3.000 kỹ sư công nghệ thông tin và cơ khí sẽ được đưa sang Nhật Bản
Cùng với đó 1.800 kỹ sư cơ khí, hàn, đầu bếp, công nghệ thông tin điện tử và 150 người thuộc nhóm nghề dịch vụ (đầu bếp, khách sạn, nhà hàng) sẽ được đưa sang Hàn Quốc.
Giai đoạn 2 (2020-2025) sẽ đưa sang các thị trường này 39.395 lao động có chuyên môn kỹ thuật.
Trong đó, sẽ có 8.325 lao động là điều dưỡng, hộ lý và 16.700 lao động các nghề kỹ sư công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông, công nghệ vật lý, sinh học… đi làm việc tại Đức.
Khoảng 3.335 lao động là điều dưỡng, hộ lý và 6.670 lao động các nghề kỹ sư công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông, công nghệ vật lý, sinh học đi làm việc tại Nhật Bản.
Đối với thị trường Hàn Quốc, tới năm 2025 sẽ đưa sang 3.965 lao động làm việc ở nhóm ngnafh công nghệ và 400 lao động ở nhóm nghề dịch vụ.
Tổng kinh phí mà Bộ LĐTB-XH tính toán để thực hiện đề án này là hơn 1.300 tỉ động, trong đó giai đoạn 1 431,9 tỉ đồng, giai đoạn 2 là 873,7 tỉ đồng. Kinh phí lấy từ ngân sách trung ương.
Theo thống kê của Bộ LĐTB-XH, trong quý 1/2017, số người trong độ tuổi lao động thất nghiệp có trình độ từ đại học trở lên là 138.800 người, trình độ cao đẳng là 104.200 người, trình độ trung cấp là 83.200 người
Với số lượng khoảng hơn 500.000 lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài, hàng năm gửi về nước khoảng 1,7 đến 2 tỷ USD. Tuy nhiên, trong tổng số hơn 100 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài hàng năm, tỷ lệ lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật chiếm rất thấp.