Thị trường lao động Đài Loan, Nhật Bản tiếp tục được coi là thị trường trọng điểm XKLĐ năm 2015

 

Duy trì thị trường truyền thống

Ông Hầu Seo Chư ở xã Mường Vi (huyện Bát Xát, Lào Cai) cho biết: “Gia đình tôi có năm người con thì bốn người đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) sang Malaysia và Đài Loan (Trung Quốc). Các con đã gửi về cho tôi được 270 triệu đồng để mua trâu bò, sửa sang lại nhà cửa, đời sống được cải thiện. Nhà các con tôi cũng được làm khang trang, đầy đủ tiện nghi sinh hoạt…”.
Theo ông Nguyễn Đức Lành, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH) Lào Cai, những gia đình có người đi XKLĐ, tiền gửi về nước đã giúp tái đầu tư sản xuất, trả phần lãi vay ngân hàng, sửa sang nhà cửa. Đặc biệt, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) là các thị trường ổn định và có thu nhập tốt.
Ông Tống Hải Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TBXH) cũng cho biết, thị trường Đài Loan (Trung Quốc) tiếp nhận nhiều lao động phổ thông, có mức lương cơ bản khá tốt so các thị trường hiện có. Đây cũng là thị trường có hành lang pháp lý bảo vệ người lao động đầy đủ từ cả hai phía và có sự phù hợp trên nhiều phương diện với nguồn lực lao động Việt Nam hiện nay.
Với thị trường Nhật Bản, nhu cầu tuyển dụng lớn nhất đối với lao động Việt Nam là thực tập sinh kỹ năng vừa học, vừa làm trong thời gian tối đa là ba năm. Trong hai năm 2013 - 2014, số lượng thực tập sinh của Việt Nam sang Nhật Bản đã tăng mạnh, đạt mức hơn 10.000 người năm 2013 và gần 20.000 người năm 2014 (chủ yếu trong các ngành cơ khí, điện tử, dệt - may).
Thị trường lao động Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản tiếp tục được coi là thị trường trọng điểm XKLĐ trong năm 2015. Đáng chú ý là với thị trường Nhật Bản, sẽ tập trung ngành nghề xây dựng, cơ khí chế tạo, nông nghiệp, chế biến thực phẩm.
Bên cạnh đó, để chuẩn bị cho Thế vận hội Tokyo được tổ chức vào năm 2020, từ năm 2015 đến 2020, Nhật Bản dự kiến tiếp nhận số lượng lớn thực tập sinh xây dựng và xem xét việc tiếp nhận lại các thực tập sinh xây dựng đã hoàn thành hợp đồng về nước trước đây. Ngoài thực tập sinh, Nhật Bản còn có nhu cầu tiếp nhận lao động có trình độ cao như kỹ sư thiết kế, kỹ sư cơ khí, điều dưỡng, hộ lý. Đây cũng là những cơ hội để lao động Việt Nam có thể sang làm việc và học tập tại Nhật Bản.