Tại cuộc họp, hai bên vui mừng khi số người Việt Nam cư trú tại Nhật Bản ngày càng tăng. Theo đó, số người Việt Nam hiện đang cư trú tại Nhật Bản là 260.000 người, năm 2016 đã vượt Brazil, năm 2017 vượt Philippines, đứng vị trí thứ ba trong số các nước có nhiều công dân cư trú tại Nhật. Tính theo tư cách cư trú thì số thực tập sinh và lưu học sinh tăng nhanh. So với năm 2010 thì số lưu học sinh tăng 14 lần và thực tập sinh tăng 16 lần. Đứng trước tình hình thực tập sinh kỹ năng từ Trung Quốc giảm thì thực tập sinh kỹ năng từ Việt Nam tăng nhanh. Năm 2016, Việt Nam đã vượt qua Trung Quốc, chiếm vị trí số 1 về số lượng thực tập sinh kỹ năng.
Tiếp đó, hai bên cũng đã nhìn nhận và chỉ rõ những vấn đề còn tồn tại của lĩnh vực đưa thực tập sinh sang Nhật Bản như tỷ lệ thực tập sinh Việt Nam bỏ hợp đồng, cư trú bất hợp pháp khá cao; tỷ lệ thực tập sinh, du học sinh phạm tội, ăn cắp của Việt Nam cũng cao nhất so với các quốc gia như Hàn Quốc, Trung Quốc...
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này được hai bên cùng chỉ ra là do vấn đề tiền lương. Người lao động bỏ trốn với hi vọng tìm được nơi làm việc lương cao hơn, bên cạnh đó là gánh nặng về mức phí khi đi xuất khẩu lao động Nhật Bản. Để được sang Nhật làm việc, người lao động phải bỏ ra số tiền lớn. Hầu như người lao động không tự túc được chi phí này mà phải vay ngân hàng hoặc vay lãi bên ngoài. Vì vậy nhiều lao động sẽ nghĩ rằng khi sang được Nhật Bản, bằng mọi giá kiếm đủ tiền nhanh nhất trả nợ, họ quyết định bỏ trốn ra ngoài ngay trong khi đang trong thời hạn hợp đồng. Cùng với đó là các công ty không đảm bảo đúng hợp đồng. Với tình trạng các công ty hiện nay mọc lên càng nhiều đồng nghĩa chất lượng không đảm bảo. Hầu hết công ty hiện nay đều đang tư vấn cho lao động với một Nhật Bản màu hồng, sang bên kia thì công việc không đúng hợp đồng, lương không ổn định. Điều bắt buộc là phải ra ngoài kiếm tiền lo trả nợ và kiếm vốn về nước.
Để giảm thiểu những khía cạnh không tích cực đòi hỏi phải có sự vào cuộc từ hai phía. Về phía Nhật Bản đã đưa ra nhóm giải pháp đối với thực tập sinh kỹ năng như: Vận dụng hợp lý chế độ thực tập kỹ năng mới dựa trên Luật thực tập kỹ năng; Tăng cường quảng bá về chế độ thực tập sinh kỹ năm mới khi thực thi Luật thực tập sinh kỹ năng; Thu thập thông tin và đề nghị các nước hợp tác giúp đỡ thông qua các cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài; Thu thập thông tin, phân tích và chia sẻ thông tin giữa các Bộ, ngành liên quan.
Bên cạnh đó, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cũng đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp như: Tăng cường phỏng vấn khi xem xét cấp visa; Thông báo tới các cơ quan liên quan của Nhật Bản và Việt Nam thông tin về các công ty tư vấn du học sinh và trung tâm tiếng Nhật có vấn đề; Đề nghị Chính phủ Việt Nam tăng cường quản lý đối với các cơn quan phái cử kém chất lượng; Thực hiện thông báo rộng rãi về mức trần các khoản phí, về nghiêm cấm tiền ký quỹ, về cảnh báo trung gian môi giới tới những người có nguyện vọng đi du học hoặc thực tập kỹ năng tại Nhật Bản thông qua Web và Facebook của Đại sứ quán; Hỗ trợ việc thiết lập bàn tư vấn cho lưu học sinh và thực tập sinh kỹ năng tại văn phòng luật sư tư nhân.
Liên quan đến tình hình quản lý các cơ quan phái cử của Việt Nam, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết, Việt Nam đã cung cấp danh sách hơn 200 doanh nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục tham gia Chương trình đưa thực tập sinh sang Nhật Bản. Cục Quản lý lao động ngoài nước đã thông báo cho các doanh nghiệp đã thu tiền đặt cọc của thực tập sinh sẽ phải trả lại và kể từ ngày Bộ LĐ-TBXH Việt Nam và Bộ Lao động,Y tế và Phúc lợi Nhật Bản ký Bản ghi nhớ hợp tác về chế độ thực tập sinh kỹ năng (MOC) thì các doanh nghiệp không được phép thu tiền đặt cọc để giảm áp lực tài chính cho thực tập sinh. Các doanh nghiệp cũng được yêu cầu công khai các khoản tiền thu từ thực tập sinh.
Theo Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ LĐ-TBXH chấn chỉnh lại tất cả các doanh nghiệp phái cử để đảm bảo các thực tập sinh sang làm việc tại Nhật Bản tốt nhất. Bộ LĐ-TBXH dự kiến sẽ báo cáo Thủ tướng về việc xử lý đối với những doanh nghiệp có tỷ lệ thực tập sinh bỏ trốn cao sẽ dừng, không tham gia vào Chương trình này. Với các Nghiệp đoàn không quản lý được thực tập sinh để số lượng bỏ trốn cao cũng sẽ dừng và không hợp tác.
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp mong muốn trong quá trình rà soát như vậy, phía Nhật Bản sẽ trao đổi thông tin với Việt Nam để có cách xử lý phù hợp với những doanh nghiệp xấu, làm trái những quy định của pháp luật.
Nguồn
Molisa.gov.vn