Trao đổi với Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, ông Yamaguchi Kazuyakia cho biết, Nhật Bản là quốc gia già hóa dân số nhanh chóng, số lượng người cao tuổi đông và rất cần được chăm sóc ở các trung tâm, viện dưỡng lão. Do đó, ông Yamaguchi Kazuyakia bày tỏ mong muốn Chính phủ Việt Nam và Bộ LĐ-TBXH tạo điều kiện, có chính sách để phía Nhật Bản hợp tác, trao đổi để đưa thực tập sinh hộ lý Việt Nam sang Nhật Bản làm việc. Ông Yamaguchi Kazuyakia cho rằng, những học viên sau mấy năm làm việc ở Nhật Bản khi trở về sẽ trở thành lực lượng nòng cốt để đào tạo hoặc làm việc trong các cơ sở chăm sóc người cao tuổi tại Việt Nam.
Đáp từ lại, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp bày tỏ sự vui mừng trước sự hợp tác ngày càng tốt đẹp giữa hai nước Nhật Bản và Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực an sinh xã hội. Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nhắc lại chuyến thăm Nhật Bản tháng 8/2018, trong đó ông đã tới thăm một số trung tâm dưỡng lão của Nhât Bản.
Theo Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, hiện hai nước đã triển khai chương trình ứng viên hộ lý được 5 năm nhưng cũng chỉ có hơn 800 người sang Nhật Bản, Trong số đó, hơn 60 thực tập sinh đã xin thôi việc ngay sau thời gian đào tạo. Còn các nước xung quanh như Indonesia, Philippines chưa hào hứng gì.
Nguyên nhân được Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp chỉ ra là do công việc thiếu hấp dẫn, chủ yếu chăm sóc người bệnh, người già nên không hẳn đã là sạch sẽ, vì vậy nguy cơ mà các thực tập sinh điều dưỡng và hộ lý có thể chấm dứt hợp đồng, bỏ hợp đồng ra ngoài làm việc rất cao.
Bên cạnh đó, Nhật Bản quy định trước khi xuất cảnh sang Nhật, thực tập sinh phải có trình độ tiếng Nhật N4, trong một năm phải có trình độ N3, như vậy nguy cơ bị trả về là rất lớn, chính vì vậy chương trình thực tập sinh điều dưỡng viên, hộ lý không thể triển khai ở mức độ lớn. Đây cũng là vấn đề cần được tháo gỡ trong thời gian tới.
Thứ trưởng nhấn mạnh: “Doanh nghiệp Việt Nam rất muốn tham gia chương trình thực tập sinh hộ lý. Nhưng với tư cách cơ quan quản lý nhà nước, chúng tôi nhận thấy cần triển khai thận trọng, chọn người có đạo đức, đúng nguyện vọng để tránh tình trạng bỏ về hoặc bỏ trốn. Trước khi sang Nhật Bản, các thực tập sinh cần được đào tạo có chất lượng. Chúng tôi cũng mong muốn Nhật Bản tạo điều kiện, hỗ trợ thực tập sinh Việt Nam để họ được làm việc, trải nghiệm cuộc sống ở Nhật”.