Tiếp tục trao đổi với PV liên quan đến vụ việc lao động Việt Nam tại Malaysia, đại diện lãnh đạo Cục Quản lý Lao động Ngoài nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ( LĐTBXH) cho biết thêm: 22h30 đêm qua (10/4) ngay sau khi về tới sân bay Nội Bài, hồi hương theo nguyện vọng, 40 lao động Việt Nam đã nhận được khoản hỗ trợ do về nước trước hạn từ Quĩ hỗ trợ việc làm ngoài nước- Bộ LĐTBXH là 2 triệu đồng/người và 1 triệu đồng/ người từ công ty Việt Hà (Hà Tĩnh) ngay tại sân bay. Sau đó, số lao động này sẽ được thanh lý hợp đồng theo qui định. Số lao động còn lại có nguyện vọng ở lại làm việc vẫn đang chờ thủ tục gia hạn giấy tờ từ phía các cơ quan chức năng Malaysia.
Trước đó, do một số báo chí địa phương đã đưa tin sai lệch nên cơ quan nhập cư tiến hành kiểm tra và tạm giữ 83 lao động Việt Nam và Nepal ở khu ký túc xá của Chủ sử dụng lao động Asmala. Trong đó có 49 lao động nữ và 3 lao động nam quốc tịch Việt Nam để làm rõ. Nguyên nhân sau đó được các cơ quan chức năng Malaysia xác định là do lỗi chủ sử dụng phía Malaysia chậm trễ trong việc xin gia hạn Visa cho số lao động này.
Trong khi các lao động Việt Nam bị tạm giữ tại Trung tâm bảo vệ nhân chứng thuộc Bộ Phát triển Phụ nữ, Gia đình và Cộng đồng ở Kuala Lumpur và Penang, Ban QLLĐ ĐSQ Việt Nam tại Malaysia đã nhiều lần đến thăm và động viên các lao động của ta. Đồng thời, nỗ lực đàm phán ngoại giao với các cơ quan chức năng Malaysia để thúc đẩy giải quyết vụ việc, đảm bảo quyền lợi của người lao động Việt Nam. Trong đó có các đề nghị miễn truy cứu lỗi cư trú quá hạn của người lao động Việt Nam do lỗi phía chủ sử dụng lao động Malaysia và giải quyết tìm việc làm mới hoặc cho hồi hương theo nguyện vọng của người lao động.
Chiều 10/4, tại ĐSQ Việt Nam tại Malaysia, trước sự chứng kiến của Đại diện Cục Lao động, Cục Nhập cư Malaysia, cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam, lao động Việt Nam đã được Chủ sử dụng Asamna thanh toán đầy đủ các khoản tiền lương, tiền làm thêm giờ còn lại và khoản lương cơ bản 21RM/ngày, đồng thời mua vé máy bay cho số lao động về nước theo nguyện vọng. Trước khi mất việc làm vào cuối tháng 2/2012, số lao động này đã gửi tiền lương về nhà trung bình 90 triệu đồng/ người.
Lãnh đạo Cục khẳng định, vụ việc xảy ra trong bối cảnh Chính phủ Malaysia thực hiện chính sách thắt chặt quản lý lao động nước ngoài. Cụ thể, từ 1/8/2011, Malaysia triển khai Chương trình ân xá và hợp pháp hóa cho công dân nước ngoài cư trú và làm việc bất hợp pháp tại đây. Bên cạnh việc kiểm tra giám sát chặt chẽ việc sử dụng lao động nước ngoài, chương trình này còn tạo điều kiện cho người lao động nước ngoài không có giấy tờ hợp pháp sẽ được hợp pháp hóa để về nước hoặc tiếp tục ở lại làm việc theo nguyện vọng.
Việt Nam hợp tác lao động với Malaysia từ năm 2002. Từ đó đến nay, đã có khoảng 190.000 lao động Việt Nam (61.000 nữ) đi làm việc theo hợp đồng tại Malaysia, trong đó tập trung chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất chế tạo. Hiện nay, có khoảng 90.000 LĐVN đang làm việc tại thị trường này. Đây là thị trường không yêu cầu cao về chất lượng lao động, chi phí xuất cảnh thấp, phù hợp với LĐ ở các vùng nông thôn. Tiền lương bình quân của lao động Việt Nam tại Malaysia khoảng 6,5 triệu đồng/tháng.